Để tiết sinh hoạt tập thể hay hơn

      Từ trước đến nay, chương trình tiểu học luôn có tiết sinh hoạt tập thể, trước đây thường gọi là tiết sinh hoạt chủ nhiệm hay sinh hoạt lớp… Việc tổ chức tiết sinh hoạt tập thể đã làm khá nhiều giáo viên (GV) lúng túng vì chưa từng có sách hướng dẫn hoặc giáo án mẫu để GV vận dụng theo.
      Để tiết sinh hoạt tập thể hào hứng, vui vẻ, giáo viên phải nghĩ ra những nội dung sinh hoạt phù hợp với từng giai đoạn trong năm học. 

 
 Trước đây, đến tiết sinh hoạt chủ nhiệm, GV thường thực hiện theo các bước như sau: Tổ trưởng từng tổ báo cáo tình hình tổ mình tuần qua về các mặt chuyên cần, học tập, vệ sinh, trật tự…, nêu rõ tên các bạn thực hiện tốt, các bạn còn vi phạm. Sau đó, lớp trưởng tổng kết, rồi GV nhận xét khen ngợi học sinh tốt, nhắc nhở học sinh còn vi phạm các mặt. Kế tiếp, GV phổ biến các công việc trong tuần tới. Cuối cùng, nếu còn ít thời gian thì cho học sinh hát là xong. Từ đó, tiết sinh hoạt chủ nhiệm dần trở nên nhàm chán, khô khan đối với học sinh và cả GV. Cho nên có GV dùng tiết sinh hoạt lớp để rèn thêm toán, tiếng Việt cho học sinh luôn.
De tiet sinh hoat tap the hay hon
       Thực tế, không như GV trung học chỉ dạy học sinh một môn và hàng tuần chỉ gặp các em vài tiết nên tiết sinh hoạt lớp, GV chủ nhiệm chỉ cần nghe các cán bộ lớp báo cáo tình hình để xử lý, nhắc nhở học sinh mọi việc. Trong khi đó, GV chủ nhiệm ở tiểu học cũng là người dạy các bộ môn khác, gặp các em hàng ngày, khi các em vi phạm đi học trễ, không học bài, làm mất trật tự lớp, xả rác, đánh nhau... là GV đã nhắc nhở, xử lý ngay. Do đó đến tiết sinh hoạt lớp, nếu thực hiện như trên là lặp lại những việc đã biết, đã giải quyết xong.
Hiện nay, với tên gọi tiết sinh hoạt tập thể (tên gọi cũng đã thể hiện sự khác biệt rất rõ) nhưng một số GV vẫn thực hiện như tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt chủ nhiệm trước đây. Còn một số thầy cô khác thì thường cho các em hát, chơi trò chơi, kể chuyện… đến hết tiết. Để tiết sinh hoạt tập thể phong phú và có ý nghĩa giáo dục hơn, theo tôi, thầy cô nên chuẩn bị trước nội dung cụ thể cho từng tuần, từng tháng. Tùy theo khối lớp, GV nên tổ chức cho các em sinh hoạt sao cho phù hợp với trình độ, khả năng của lứa tuổi theo chủ đề của tháng, của tuần mà kế hoạch chủ nhiệm đã đề ra. Ở những tháng có ngày lễ, ngày kỉ niệm thì có thể tổ chức tiết sinh hoạt tập thể xoay quanh các ngày đó.
Chẳng hạn, các tuần gần đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, ở các lớp 1, lớp 2 thì GV kể cho học sinh nghe những câu chuyện liên quan đến thời kì này, cho các em đọc các câu ca dao nói đến ngày giỗ tổ. Ở lớp 3, có thể cho các em thi kể chuyện về thời kì này. Lớp 4, lớp 5 thì cho các em thi tìm hiểu về thời đại Hùng Vương, dạy các em hát bài Hùng Vương, Dòng máu Lạc Hồng… Hay tháng 1, tháng 2 thường là tháng Tết Nguyên Đán, trong tiết sinh hoạt mỗi tuần có thể lần lượt tổ chức cho các em thi kể các câu chuyện hay diễn kịch có liên quan đến truyền thống dân tộc như Sự tích quả dưa hấu, Sự tích bánh dày bánh chưng, Sự tích cây nêu ngày Tết, Sự tích ông Táo chầu trời… Hay hướng dẫn các em làm thiệp chúc Tết, làm mai giả để trang trí lớp. Cũng có thể dạy các em các bài hát về ngày Tết như Chúc Tết, Nắng xuân, Ngày Tết quê em…; thảo luận thế nào là ăn uống vui chơi Tết lành mạnh? Tuần có ngày 3-2 hay 26-3 thì cho các em lớp 4, lớp 5 thi đố em với nội dung về sự kiện lịch sử, các nhân vật lịch sử liên quan; dạy các em các bài hát phù hợp như Đảng đã cho ta một mùa xuân, Tiến lên đoàn viên... Tuần có ngày 8-3 thì cho các em làm thiệp chúc bà, mẹ, bạn gái trong lớp…; dạy các bài hát như Bông hồng tặng cô, Mùng 8-3, Mẹ và cô… Tháng tư có ngày 30-4 thì cho các em sưu tầm những hình ảnh, tin tức tư liệu về ngày này để dán trên bảng lớp…
Ngoài ra, thầy cô cũng có thể tự nghĩ ra những nội dung sinh hoạt phù hợp với các giai đoạn trong năm học. Vào thời gian ôn tập kiểm tra định kì, thầy cô có thể tổ chức cho các em thi đố vui nhằm ôn tập các kiến thức cơ bản của các môn học. Nếu có thể, ở tiết sinh hoạt này, cho các em ra sân hướng dẫn những trò chơi như ăn ô quan, lò cò, đánh đũa, rồng rắn lên mây, nhảy sạp… Chắc chắn tiết sinh hoạt tập thể sẽ trở thành tiết các các em mong đợi nhất trong tuần.
Tóm lại, tổ chức tốt các tiết sinh hoạt tập thể, GV không chỉ làm cho các em thích thú, vui tươi sau các tiết học mệt mỏi mà thông qua đó GV còn giúp học sinh trong lớp đoàn kết, gắn bó với nhau hơn; các em được mở rộng kiến thức, hiểu biết và thông qua các hoạt động trong tiết sinh hoạt tập thể đã giáo dục các em một số kĩ năng cần thiết trong cuộc sống.
       

No comments:

Copyright © 2013 Mr Sum