Tại sao lại phải viết đơn vị của phép tính giải trong ngoặc, sau kết quả ?


Chào quý thầy cô ! 
Trong giải toán có lời văn, có vấn đề nhỏ mà có lẽ ít thầy cô nào để ý đó là : Tại sao lại phải viết đơn vị của phép tính giải trong ngoặc, sau kết quả ?
Xin được giải thích rõ vấn đề này qua ví dụ sau. Xét bài toán ở lớp 2 sau:
Hàng trên có 5 quả cam. Hàng dưới có nhiều hơn hàng trên 2 quả cam. Hỏi hàng dưới có mấy quả cam ?
Ta có bài giải như sau:
Số cam ở hàng dưới là:
5 + 2 = 7 (quả cam) (A)
                             Đáp số: 7 quả cam
          Bây giờ ta sẽ bàn kĩ về cách viết (A). Đúng ra thì 5 + 2 chỉ bằng 7 thôi (5 + 2 = 7) chứ 5 + 2 không thể bằng 7 quả cam được. Do đó, nếu viết: 5 + 2 = 7 quả cam thì rõ ràng là sai. Nói cách khác nếu vẫn muốn được kết quả là 7 quả cam thì ta phải viết: 5 quả cam + 2 quả cam = 7 quả cam (B).
          Tuy nhiên việc viết một phép tính giải với các danh số như vậy là rất khó khăn và tốn nhiều thời gian đối với một học sinh lớp 1, lớp 2. Do đó, chúng ta chủ trương dùng cách viết phép tính với hư số rồi ghi chú đơn vị sau kết quả như ở (A).
          Có thể hiểu rằng chữ “quả cam” viết trong dấu ngoặc ở đây chỉ có một sự ràng buộc về mặt “văn học” với số 7, chứ không có sự ràng buộc chặt chẽ về toán học với số 7.
          Do đó, nên hiểu: 5 + 2 = 7 (quả cam) là cách viết tắt của một câu văn như sau: “5 + 2 = 7, ở đây 7 là 7 quả cam”.
          Như vậy đặt đơn vị quả cam ở trong ngoặc sau kết quả phép tính là một giải pháp trung hòa bảo đảm:
          - Vừa tránh được một sai lầm về mặt toán học.
          - Vừa chú trọng được đúng mức đến vai trò của các đơn vị trong phép tính giải.
          - Vừa tránh được việc viết quá nhiều danh số, dài dòng và tốn thời gian lại dễ sai sót như ở (B).
          Tuy nhiên trong đáp số của bài toán thì không có phép tính và đáp số là trả lời cho câu hỏi của bài toán nên ta không đặt đơn vị quả cam ở trong ngoặc mà ghi như sau:
Đáp số: 7 quả cam.
          Cũng vì các lí do nêu trên nên không được viết, chẳng hạn:
15 (em) : 3 (em) = 5 (hàng)
Vì ta không được đưa một chú thích “có tính văn học” vào “trong lòng” một công thức toán học.
          Cũng không được viết, chẳng hạn:
3 x 2 = 6 (m2) = 600 (dm2) (C)
          Vì viết như vậy là ta đã coi 6 = 600.
          Muốn ghi một phép tính giải có kèm theo việc đổi đơn vị như ở (C) thì ta có thể viết như sau:
3 x 2 = 6 (m2)
6 m2 = 600 dm2
          Hoặc viết gọn thành một dòng: 3 x 2 = 6 (m2) hay 600 dm2.

Theo: NGƯT. PHẠM ĐÌNH THỰC

No comments:

Copyright © 2013 Mr Sum