Trong một bài thi hay bài kiểm tra của học sinh thường có hai
phần: Điểm và lời phê dành cho giáo viên khi chấm bài. Thế nhưng, giáo
viên chấm bài thường chỉ chú trọng đến việc cho điểm mà bỏ qua phần lời
phê hoặc nếu thì cũng chỉ nhận xét chung chung, cộc lốc, chưa khích lệ,
động viên học sinh cố gắng.
Lời phê có tác dụng rất lớn
Cô Trần Kim Phượng – Giáo viên Trường
THPT Bình lục A (Hà Nam) - dãi bày: Chấm một bài thi hoặc bài kiểm tra
mất từ 5-10 phút đọc rồi đưa ra những nhận xét và cho điểm. Để đọc chấm
xong một lớp khoảng 45 - 50 bài phải mất từ 4 - 5 tiếng làm việc căng
thẳng. Trong khi đó, một GV trung học thường dạy nhiều lớp và số lượng
bài chấm hàng tuần, hàng tháng không hề ít nên GV chỉ chấm bài cho điểm,
ít khi có thời gian đọc kỹ rồi sửa từng câu chữ, từng bài và nhận xét
tỉ mỉ. Vì vậy, ít có lời phê mang tính khích lệ giúp học sinh tiến bộ.
Theo cô Bùi Thị Tâm - Giáo viên Hóa một
trường THPT ở Hà Nội, lời phê không chỉ là nhận xét lực học của học sinh
mà có tác dụng động viên khích lệ tinh thần học tập. Điểm số đôi khi
không phải là tất cả, chưa nói lên được điều gì nhưng lời phê có thể
đánh giá, khích lệ, động viên thậm chí làm thay đổi cả một con người.
Trước đây tôi cũng đã từng chấm bài cho học sinh và cũng rất có ý thức
về những lời phê. Có những lời phê cả thầy và trò sau 20 năm gặp lại vẫn
còn nhớ như in. Bây giờ, thỉnh thoảng xem bài kiểm tra của các cháu,
tôi thấy các thầy cô tiết kiệm lời phê quá. Đa số lời phê đều chung
chung, cộc lốc. Ví dụ như: Bài làm tốt; Có cố gắng; Đã biết cách sáng
tạo; Diễn đạt chưa rõ...
Lời phê và những góp ý chân thành giúp HS củng cố kiến thức |
Cô Tâm kể, việc chấm bài trước đây được
tính theo tiết dạy và quy định chấm chặt chẽ theo thang điểm và bắt buộc
khi cho điểm phải có lời phê. Bài làm của học sinh tốt hay chưa tốt đều
phải chỉ ra những chỗ được và chưa được để góp ý cho các em.
Bây giờ, chấm bài không còn được quy
định theo tiết học, có lẽ vì lý do đó mà giáo viên chấm bài dễ dãi hơn
chăng? Hay vì giáo viên hiện nay phải dạy quá nhiều nên ít có thời gian
đầu tư cho việc chấm bài?
Cần lắm những lời phê mang tính khích lệ
Con gái tôi đang học lớp 4 Trường tiểu
học Ngọc Thụy (Gia Lâm, Hà Nội). Hàng ngày đi học, có bài kiểm tra, bài
thi hay bất kì bài làm nào trong vở được cô giáo chấm điểm, cháu thường
cho tôi xem lại.
Xem bài văn cô chấm cho cháu với lời
nhận xét: “Đoạn văn này con viết được đấy, có chiều sâu, có hình ảnh
nhưng trong đoạn này cô thấy con cần đổi từ “màu đỏ” thành “khoe sắc đỏ”
thì sẽ hay hơn và gợi nhiều hình ảnh đẹp hơn”.
Hay bài kiểm tra toán của cháu cô phê:
“Con để vở bẩn quá, chữ viết đã cẩn thận, tròn trịa hơn nhưng chưa có
nét thanh, nét đậm; Bài Toán đố cách giải của con khá hay, ngắn gọn, dễ
hiểu. Cố gắng hơn nữa con nhé!”…
Những lời phê như thế này sẽ là động lực để các em phấn đấu hơn |
Những lời phê của cô đều cụ thể, xác
đáng và có tính khích lệ động viên các cháu cố gắng. Thật sự, đó là một
điều không phải GV nào cũng thực hiện được.
Cô giáo Trần Thanh Hương – Trường Tiểu
học Giang Biên (Long Biên, Hà Nội) cho biết: Để chấm một bài thi, một
bài kiểm tra hay bài làm trong vở của học sinh, điều đầu tiên cô xem nét
chữ của các cháu viết đã chuẩn chưa và có lời phê ngay. Sau đó cô mới
đi vào cụ thể từng bài làm của học sinh. Nếu là môn Toán, cô thường chấm
cách làm và kết quả đúng sai từng bài. Riêng bài toán đố cô thường có
lời nhận xét cách giải và gợi ý các con làm thêm bằng những cách giải
khác. Với môn Chính tả, Tiếng Việt và Tập làm văn cô đọc cẩn thận từng
câu, chữ để sửa lỗi chính tả cho các em. Câu văn nào chưa hay, hoặc diễn
tả chưa thoát ý cô thường gạch bên dưới rồi sửa lại sang bên cạnh và
kèm theo là lời phê. Cô còn cho biết thêm, với cô khen hay chê các em
đều phải rất khéo, có như thế mới phát huy được tác dụng của lời phê.
Lời phê không chỉ là lời khen, chê đơn
thuần mà là những lời góp ý chân thành, tâm huyết từ những thầy cô giáo
để giúp cho học sinh củng cố kiến thức, say mê học tập; giúp học sinh
hoàn thiện cả về tri thức và nhân cách. Cô Bùi Thị Tâm đề xuất: Nên khôi
phục lại quy định chấm bài, có lời phê rõ ràng.
No comments: