Giáo dục Đồng Tháp đổi mới cả trong suy nghĩ và cách làm

“Công tác quản lý đổi mới cả trong suy nghĩ lẫn cách làm, đó là một trong những nhân tố giúp ngành Giáo dục Đồng Tháp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm học 2013 - 2014 và thi đua đứng trong top đầu các Sở GD&ĐT khu vực đồng bằng sông Cửu Long.” - khẳng định của ông Hồ Văn Thống - Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp.

Chia sẻ về kết quả nổi bật nhất ngành GD&ĐT Đồng Tháp đạt được trong năm học vừa qua là gì, Giám đốc Hồ Văn Thống cho biết:
Đồng Tháp là một địa phương còn nhiều khó khăn trong phát triển. Tuy nhiên, lãnh đạo cũng như nhân dân địa phương rất quan tâm, chăm lo phát triển sự nghiệp GD&ĐT.
Trong năm học 2013 - 2014 vừa qua, từ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ của các ngành và nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý (CBQL), Đồng Tháp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học. Trong đó, tôi cho rằng một số nét nổi bật như sau:
 Ông Hồ Văn Thống - Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp
Thứ nhất, công tác quản lý được đổi mới cả trong suy nghĩ lẫn cách làm: trong chỉ đạo, điều hành chúng tôi đã giảm đi tính “hành chính”, tập trung chỉ đạo hoạt động của các trường và cơ sở giáo dục vì đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT thì phải đổi mới đồng bộ cả vĩ mô lẫn vi mô. Trong thanh tra, kiểm tra không quá quan tâm vào hồ sơ sổ sách mà tập trung vào công việc; trong thi đua khen thưởng gắn trách nhiệm cá nhân với mức độ hoàn thành công việc. Đồng Tháp đã tổ chức thống nhất việc kiểm tra định kỳ trên phạm vi toàn tỉnh (THPT, THCS) và toàn huyện (tiểu học) đối với một số môn cơ bản.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT tổ chức trực tiếp đối thoại với đội ngũ nhà giáo và nhân dân về giáo dục (2 huyện/tháng)… Những đổi mới trong công tác quản lý đã góp phần tạo ra sức bật cho toàn ngành…
Thứ hai, trong điều kiện khó khăn chung của ngân sách nhưng Đồng Tháp vẫn tập trung các nguồn lực để tăng cường CSVC, trang thiết bị.
Trong năm học -2013 - 2014 đã xây dựng 310 phòng học, 328 phòng chức năng. Trong đó, tập trung cho ngành học mầm non để đáp ứng nhu cầu thực hiện PCGDMN cho trẻ 5 tuổi. Chi 28,2 tỷ đồng để trang bị máy tính thực hành, thiết bị dạy học ngoại ngữ, đồ dùng, đồ chơi, học liệu... cho các trường phổ thông và mầm non.
Sở đã tham mưu UBND Tỉnh phê duyệt báo cáo khả thi dự án: Ứng dụng CNTT ngành GD&ĐT giai đoạn 2014 – 2018 với tổng kinh phí 46 tỉ đồng, trong đó giai đoạn năm 2014, 2015 tập trung triển khai cơ sở hạ tầng CNTT, trang bị máy tính thực hành cho cấp THCS, đảm bảo đến năm 2015 có 100% trường THCS có tổ chức dạy tin học thực hiện theo lộ trình của dự án.
Sở đang tích cực triển khai đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị máy tính thực hành cho các trường THCS (năm 2014, kinh phí địa phương cấp đầu tư thiết bị CNTT là 10 tỉ đồng). Cơ sở vật chất, trang thiết bị được tăng cường đã tạo tiền đề thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng giáo dục cả đại trà lẫn toàn diện.
Thứ ba, chất lượng giáo dục được duy trì và có chuyển biến về chất. Xếp loại hai mặt giáo dục từ Trung bình trở lên ở các cấp học tương đương năm học trước nhưng loại Giỏi và Khá tăng lên.
Đối với đào tạo mũi nhọn, chúng tôi đã thay đổi cách làm từ khâu tuyển chọn đến bồi dưỡng. Trong kỳ thi HSG cấp quốc gia, Đồng Tháp đạt 19 giải và đứng thứ hai trong các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long...
Những nét nổi bật trên đã góp phần giúp GD&ĐT Đồng Tháp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong những năm qua và thi đua đứng trong top đầu các Sở GD&ĐT khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
- Trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, đặc biệt là vốn Chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên đã tạm ngưng, làm thế nào để Đồng Tháp có thể đầu tư, nâng cao cơ sở vật chất được như vậy; trong đó đặc biệt bậc học mầm non đã cán đích phổ cập?
Đúng là khi nguồn vốn chương trình mục tiêu kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên tạm ngưng thì cũng làm ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng cơ bản và mua sắm trang thiết bị của ngành.
Thực tế mâu thuẫn ở chỗ là tiền thì rất hạn hẹp, trong khi trường học không thể không xây, không sửa để đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân.
Để giải quyết mâu thuẫn giữa kinh phí hạn hẹp và nhu cầu, Sở GD&ĐT phối hợp với các ngành có liên quan (Tài chính, Kế hoạch đầu tư) làm việc với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổng rà soát cơ sở vật chất hiện có, đối chiếu giữa danh mục xây dựng và thực trạng để:
Tạm dừng triển khai các công trình, hạng mục công trình chưa thật sự bức xúc, chưa thật sự phải đầu tư bằng mọi giá đề nghị UBND Tỉnh quyết định điều chỉnh đầu tư. Tập trung kinh phí xây dựng cơ bản hàng năm của toàn ngành (khoảng 300 tỷ đồng) đầu tư cho các trường trọng điểm, vùng sâu, vùng xa và những nơi thật sự có nhu cầu.
Đối với ngành học mầm non, thời gian trước để nâng cao tỷ lệ huy động trong độ tuổi ra lớp nên các lớp mẫu giáo thường học nhờ các điểm trường tiểu học.
Làm như thế chỉ giải được bài toán tăng số lượng cháu ra lớp nhưng về chất lượng thì chưa đảm bảo. Chương trình giáo dục mầm non mới và nhất là việc thực hiện PCGD cho trẻ 5 tuổi đòi hỏi phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị tương ứng để nâng cao chất lượng nuôi dạy cho nên việc tăng cường cơ sở vật chất cho ngành học mầm non là việc cần phải làm và đã được Đồng Tháp tập trung thực hiện.
Trong số 310 phòng học, 328 phòng chức năng được xây dựng năm học 2013 - 2014 thì trên 60% là của ngành học mầm non. Chúng tôi dự kiến trong năm học mới 2014 - 2015 tiếp tục tập trung đầu tư cho ngành học này ở mức độ tương đương và có thể cao hơn để đảm bảo tiến độ PCGDMN cho trẻ 5 tuổi.
Việc tăng cường cơ sở vật chất cho các ngành học cấp học một cách hợp lý trong điều kiện kinh phí khó khăn là tạo điều kiện cho các trường học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, bán trú, tăng tiết… để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
- Nói về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, nội dung chủ yếu ngành GD&ĐT Đồng Tháp hướng tới là gì?
Trong năm học mới 2014 – 2015, năm học đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diên, Đồng Tháp tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:
Triển khai rộng rãi Nghị quyết số 29-NQ/TW, Nghị quyết số 44/NQ của Chính phủ, Kế hoạch hành động của Bộ thực hiện các Nghị quyết trên và các Chương trình, Kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND Tỉnh về đổi mới căn bản GD&ĐT trong toàn ngành với mục tiêu nâng cao nhận thức và làm chuyển biến hành động của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý.
Tập trung rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ về GD&ĐT của tỉnh cũng như các huyện, thị xã, thành phố trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 để tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và phấn đấu thực hiện với kết quả cao nhất
Tập trung chỉ đạo việc thực hiện thí điểm dạy học song ngữ ở cấp tiểu học tại thành phố Cao Lãnh để rút kinh nghiệm, tiến tới thực hiện đại trà ở các thành phố, thị xã và những nơi có điều kiện trong tỉnh.
Về đội ngũ, thực hiện quyết liệt kế hoạch số 177/KH-UBND về nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Mạnh dạn thay đổi, sắp xếp, bố trí lại - thậm chí giải quyết cho thôi việc đối với những người không đảm bảo năng lực hoặc vừa thiếu tâm, vừa thiếu tầm.
Tổ chức thi tuyển đại trà theo hình thức cạnh tranh đối với giáo viên và các chưc danh bổ nhiệm từ Phó Hiệu trưởng trở lên.
Tiếp tục đổi mới cách nghĩ, cách làm trong quản lý, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của ngành theo hướng tất cả vì cơ sở, giải quyết ngay các vấn đề bức xúc từ cơ sở để thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công.
Đồng thời, tạo ra bước chuyển biến mới trong huy động các nguồn lực cho việc phát triển GD&ĐT (không cào bằng trong huy động, tham mưu cơ chế thuận lợi cho các nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư vào giáo dục…).
                                                       From Báo Giáo dục và Thời đại

No comments:

Copyright © 2013 Mr Sum